
Trung tâm dữ liệu của Cục Cảnh sát giao thông đang được xây dựng và hoàn thiện - Ảnh: HỒNG QUANG
Đó là khẳng định của thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trong buổi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-7.
Gửi thông báo vi phạm trong 2 giờ, tích hợp AI cho camera giám sát

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình
Theo thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, để thực hiện chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông,
trước mắt Cục Cảnh sát giao thông sẽ đi ra từng km trên trục cao tốc Bắc Nam - trong vai người tham gia giao thông thay vì là cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó có phương án tổ chức phù hợp với những đoạn chưa hoàn chỉnh.
Kèm theo đó phải hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát.
Ông Bình lấy ví dụ về việc cảnh sát giao thông đang phải căng mình trên hai tuyến đường mới phân làn là Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công ở Hà Nội, nguyên nhân chính là vì chưa hoàn thiện hệ thống giám sát dẫn đến cảnh sát phải xử lý thủ công.
Đối với trung tâm giám sát, Cục Cảnh sát giao thông sẽ chuẩn bị đầy đủ những giải pháp về kỹ thuật.
Đơn vị này đang phối hợp các cơ quan nghiệp vụ nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sao cho có thể phát hiện nhiều nhất các vi phạm từ dữ liệu camera.
Theo kết quả gần đây nhất, camera sử dụng AI đã có thể phát hiện hành vi không đội mũ bảo hiểm và được yêu cầu ứng dụng ngay.
TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cũng cho rằng không có chuyện bán xe xong là vô can. Ông nói: "Anh bán xe máy anh không sang tên thì anh phải chịu trách nhiệm".
Cũng theo ông Tạo, việc đóng phạt online sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Đồng thời có tính răn đe tức thời, nhắc nhở họ về hành vi vừa thực hiện.
Qua đó hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. "Nếu chỉ sau 1-2 giờ vi phạm đã có thể nhận được thông báo và có thể nộp phạt online ngay là điều rất tốt" - ông nhấn mạnh.
Để làm được điều này, cơ quan quản lý cần đảm bảo hàm lượng công nghệ đủ mạnh và an toàn, có thể cùng lúc xử lý lượng thông tin khổng lồ, nhanh chóng.
Ông Tạo cũng kiến nghị khi cảnh sát thông báo tới người vi phạm cần đảm bảo sao cho "dễ dàng nhận diện như một tin nhắn thông thường".
Ngoài ra việc xử phạt qua mạng cũng nên được áp dụng ngay, bởi hiện nay đã có thể trừ điểm hoặc tước bằng lái xe qua mạng thay vì chỉ có bản giấy như trước đây.
"Việc tạm giữ giấy tờ bản giấy hoặc giữ xe chỉ nên áp dụng cho các vi phạm hình sự hoặc tình huống vi phạm có tính khẩn cấp, cần ngăn chặn" - ông Tạo kiến nghị, cho biết thêm để xử lý phạt nguội có hiệu quả cần ràng buộc trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra vi phạm.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết căn cứ theo quy định hiện hành, việc gửi thông báo cho người vi phạm sau 2 giờ sẽ là phù hợp. Bài toán cần giải quyết là cần có quy định rõ về quy trình và hình thức.
Trong đó cần tính tới trường hợp có hành vi vi phạm nhưng việc truyền tải thông tin không được đảm bảo, người vi phạm không thực hiện được nghĩa vụ thì sẽ xử lý ra sao, về những vấn đề này cần có quy định cụ thể.
Vì vậy việc có trung tâm giám sát tích hợp AI và hoạt động 24/7 thuộc về việc xây dựng quy trình để cơ quan có thẩm quyền có nhiều thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Đồng thời người dân có thể nắm bắt và nghiêm túc hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật giao thông.
Ngoài ra việc nộp phạt online không chỉ giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước mà còn rút ngắn được thời gian của người dân khi nộp phạt.
