
Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An sáng 15-5 - Ảnh: THÀNH CƯỜNG
Cuộc làm việc diễn ra vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025) với mong muốn đưa Nghệ An - quê hương Bác Hồ ngày càng phát triển, phát triển đi đầu.
Đánh giá cao những kết quả mà Nghệ An đã đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh xác định và tháo gỡ các nút thắt phát triển, phấn đấu thành một cực tăng trưởng không những của cả vùng mà còn của cả nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ, Nghệ An có nhiều tiềm năng về nguồn lực con người, tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược và khả năng kết nối nhưng tiềm năng, chiến lược đó không tự nó trở thành sức mạnh.
"Chỉ có tư duy đột phá, hành động quyết liệt và khát vọng đủ lớn mới biến tiềm lực thành hiện thực, đưa Nghệ An thành cực tăng trưởng tầm quốc gia. Mạnh dạn bước ra khỏi quán tính phát triển cũ. Hướng tới một mô hình tăng trưởng hiện đại hơn, lấy công nghệ và tri thức làm động lực, lấy đổi mới thể chế và quản trị làm đòn bẩy, lấy con người và văn hóa xứ Nghệ làm nền tảng", Tổng Bí thư nói.
Nghệ An cần tận dụng thời cơ lịch sử khi được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 39, được trao cơ chế đặc thù để không chỉ phấn đấu "trở thành tỉnh khá" như Bác Hồ từng căn dặn, mà xa hơn phải trở thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới. Đây là lúc không thể chờ đợi mà phải tiên phong.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 10,5% năm 2025, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Nghệ An cần tập trung vào các định hướng lớn:

Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở nhiều định hướng phát triển cho tỉnh Nghệ An - Ảnh: THÀNH CƯỜNG
Thứ nhất, quan trọng trước tiên và căn bản nhất là phải đảm bảo môi trường ổn định, an toàn, thuận lợi để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng phải giữ vai trò trung tâm trong tất cả các quyết sách.
Giữ vững quốc phòng, an ninh biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị và tư duy đổi mới, không những "đủ đức, đủ tài" mà còn phải "đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng" vì sự phát triển đi lên của tỉnh.
Thứ hai là đột phá về tư duy và thể chế phát triển. Chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang tăng trưởng dựa vào đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và giá trị gia tăng cao, dựa trên khoa học, công nghệ, con người.
Chuyển đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo - phục vụ. Nghệ An cần xây dựng các vùng động lực vệ tinh ở khu vực miền núi, từng bước hình thành trung tâm cụm xã phát triển, mọi người dân đều được quan tâm trên hành trình tiến về phía trước.
Thứ ba, phát triển nền kinh tế trên 4 trụ cột chiến lực: kinh tế xanh - kinh tế số - kinh tế biển - kinh tế tri thức. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sạch, đô thị sinh thái và kinh tế tuần hoàn, các ngành dịch vụ chất lượng cao...
Thứ tư,
Ông Nguyễn Đức Trung - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An báo cáo các kết quả đạt được về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh - Ảnh: THÀNH CƯỜNG
Báo cáo với Tổng Bí thư và đoàn công tác trung ương, ông Nguyễn Đức Trung - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết trong 4 năm 2021-2024, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 7,89%, cao hơn giai đoạn 2016-2020 (6,97%). Quy mô GRDP năm 2024 đạt 216,9 nghìn tỉ đồng, cao gấp 1,5 lần năm 2020, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành.
GRDP bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng, tăng 1,45 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 89.427 tỉ đồng, tăng bình quân 9,4%/năm, dự kiến năm 2025 đạt khoảng 26.000 tỉ đồng, đạt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra.
Thu hút đầu tư tăng mạnh về quy mô, số lượng và chất lượng dự án. Trong ba năm gần đây, Nghệ An liên tục đứng trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn đăng ký đạt trên 4,81 tỉ USD, gấp 4,5 lần số vốn lũy kế từ năm 2020 trở về trước.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 10-5-2025, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa 16.202 căn nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, đạt tỉ lệ 76,5% mục tiêu giai đoạn 2023-2025.
