
Bức ảnh Bác Hồ đội mũ sắt do ông Nguyễn Xuân Mai chụp
Hơn nửa thế kỷ nay, mỗi dịp tháng năm về, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước lại thành kính tưởng nhớ
Tổng Bí thư Tô Lâm đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên - Ảnh: TTXVN
Tiếp đó, Người đã dẫn dắt toàn dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu (1954) và Đại thắng Mùa Xuân chấn động địa cầu (1975), thu non sông về một mối, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không chỉ là lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặt nền móng vững chắc cho tương lai của đất nước bằng tư tưởng và tấm gương đạo đức cao cả của mình. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa tư tưởng nhân loại.
Cốt lõi của tư tưởng ấy là khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngay trong những năm tháng gian khổ nhất, Người vẫn khẳng định một chân lý bất di bất dịch: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Câu nói ấy đã trở thành phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, và đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện trên mọi lĩnh vực: từ quan điểm coi nhân dân là gốc của mọi công việc đến chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc; từ tư tưởng xây dựng Nhà nước "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" đến đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước.
Người luôn nhấn mạnh vai trò của dân: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", đề cao sức mạnh đoàn kết của muôn người Việt Nam yêu nước. Người luôn chăm lo xây dựng một Đảng cầm quyền thật trong sạch, vững mạnh; đề cao đạo đức cách mạng với các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" làm nền tảng.

Hình ảnh Bác trong lễ diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30-4 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức và tư tưởng thống nhất hài hòa trong một phong cách sống giản dị, khiêm tốn mà vô cùng cao thượng. Cả cuộc đời, Người sống thanh bạch, khiêm nhường. Chính bởi đạo đức trong sáng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một tấm gương sống động và cụ thể cho các thế hệ học tập và làm theo.
Những phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" mà Người dạy không chỉ là lý tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên noi theo mà còn trở thành chuẩn mực cho mọi người hướng tới. Bác khẳng định: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa".
Người không chỉ nói mà luôn thực hành, đi trước làm gương, nói ít làm nhiều. Phong cách ấy đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết rộng lớn, một lòng tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Bác. Sự giản dị, chân thành, cách ứng xử ân cần, gần gũi đã khiến Bác trở thành một lãnh tụ đặc biệt, luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và "nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn".
Không chỉ dân tộc Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới cũng trân trọng và ghi nhớ Hồ Chí Minh như một biểu tượng của hòa bình, tự do và giải phóng dân tộc. UNESCO vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất" năm 1987. Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy các phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc trên toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng cho công cuộc xây dựng một thế giới công bằng và nhân văn hơn.
Theo chân Bác
Tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Trong lĩnh vực xã hội, tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Bác từng nói "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi". Thấm nhuần những lời dạy ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong mọi chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước.
Những năm gần đây, các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai rộng khắp và đã đạt được những kết quả quan trọng; hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa đều có những bước tiến bộ đáng kể.
Đặc biệt, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai mạnh mẽ trên cả nước, hướng tới mục tiêu không để người dân nào phải sống trong điều kiện khó khăn, không có nhà ở vào năm 2025. Đời sống văn hóa tinh thần cũng được quan tâm đầu tư với nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Về giáo dục và đào tạo, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của "trồng người" đối với tương lai dân tộc. Người căn dặn: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Kế thừa tư tưởng đó, nước ta đã dồn sức phát triển sự nghiệp giáo dục và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, Việt Nam đã phổ cập giáo dục ở các bậc học nền tảng trên phạm vi toàn quốc, đưa tỉ lệ biết chữ của người lớn lên mức gần 100%. Nhiều chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được triển khai, bám sát những định hướng mà Bác đã nêu ra từ khi lập nước. Nhờ đó, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ có tri thức vững vàng mà còn được giáo dục về lý tưởng, đạo đức, lối sống, tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà thế hệ cha anh truyền lại.
Về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tư tưởng "yêu dân, phục vụ dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào ngành y tế nước nhà. Sinh thời, Người từng nói: "Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe", đặt ra nhiệm vụ xây dựng một dân tộc khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Ngày nay, chúng ta có một hệ thống y tế không ngừng lớn mạnh, từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương. Mạng lưới bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được mở rộng khắp các vùng miền, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến ngang tầm thế giới đã được làm chủ. Tinh thần "lương y như từ mẫu" được khơi dậy, đội ngũ thầy thuốc ngày đêm tận tụy theo gương Bác Hồ chăm lo cho người bệnh.
Chúng ta đang hướng tới xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc. Những kết quả và chủ trương ấy đều mang dấu ấn sâu sắc của tư tưởng nhân đạo và triết lý phát triển con người toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình đường lối chiến lược "dựng nước đi đôi với giữ nước" cho cách mạng Việt Nam. Người sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân, đặt nền tảng cho một nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Bác dạy: các lực lượng vũ trang Cách mạng là con đẻ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà tuyên truyền, công tác, chiến đấu, hy sinh.
Tuân thủ với những lời Bác dạy, chiến đấu, hy sinh bảo vệ chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", chúng ta đã và đang xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững mạnh, tạo thành sức mạnh vô song bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Nhờ vậy, Việt Nam nhiều năm qua đã duy trì được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục là kim chỉ nam để chúng ta hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về đối ngoại, đường lối ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng và Nhà nước vận dụng sáng tạo, giúp Việt Nam vươn lên một tầm vóc mới trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đề ra nguyên tắc ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ - mà cốt lõi là giữ vững lợi ích dân tộc và hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Từ năm 1947, Người đã khẳng định Việt Nam chủ trương "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai", thể hiện tầm nhìn xa về một nền ngoại giao hòa bình, hợp tác. Ngày nay, tư tưởng đó đã trở thành phương châm hành động: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Những thành tựu đối ngoại mà chúng ta đạt được đến nay đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Có thể khẳng định, các thành quả đối ngoại rực rỡ ấy bắt nguồn từ việc quán triệt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, tiến bộ của khu vực và thế giới và nền văn minh nhân loại.
Nguồn cảm hứng bất tận
Các em nhỏ thích thú khám phá triển lãm về Bác Hồ - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu thường xuyên và bức thiết. Chúng ta cần học Bác mỗi ngày - học từ điều lớn đến điều nhỏ, học ở tầm lý tưởng nhưng cũng học trong từng hành vi ứng xử, từng việc làm cụ thể. Học Bác để sống có lý tưởng, có kỷ cương, biết yêu thương, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Học Bác không phải để ca ngợi Người một cách hình thức, mà để tiếp thêm niềm tin, động lực, bản lĩnh cho công cuộc dựng xây đất nước hôm nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam nguyện khắc ghi lời dạy của Bác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng vô tận, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thêm một lần nhắc nhở chính mình về trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân. Chúng ta tự hào về Bác bao nhiêu, càng phải nỗ lực phấn đấu bấy nhiêu để biến những ước nguyện của Người thành hiện thực. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là hành trang quý báu cho dân tộc ta trên con đường phát triển.
Mãi mãi, Bác vẫn cùng chúng ta hành quân - Người vẫn sống động trong từng việc làm, từng thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta nguyện tiếp bước con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng cường quốc năm châu, xứng đáng với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Và đó là chân lý thiêng liêng đã đi vào lịch sử: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!".
