Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm thiết yếu… có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp.
Trước thực tế các địa phương vừa sáp nhập và tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các địa phương, đơn vị của bộ, hiệp hội ngành hàng: Khẩn trương, chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được giao, phù hợp mô hình chính quyền mới; chủ động, tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tập trung kiểm tra trên diện rộng các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, nguy cơ bị làm giả cao như dầu thực vật, sữa bột và thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Các đơn vị được yêu cầu chủ động phát hiện, xử lý vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm, chuyển cơ quan điều tra đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả mạo thương hiệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng.

Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra điểm kinh doanh trong Trung tâm Thương mại Saigon Square.
Bộ Công Thương yêu cầu Cục Công nghiệp phối với với đơn vị chức năng của Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 15 quy định một số điều của Luật An toàn thực phẩm; chủ trì xây dựng thông tư về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, sữa giả, thuốc giá, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng...
Đặc biệt, các đơn vị được yêu cầu tăng cường kiểm tra thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc bán qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream, xử lý kho hàng không đăng ký, giao dịch không có chứng từ hợp lệ.
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước kiểm tra 11.568 vụ; xử lý 9.919 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính lên đến 266 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường cũng đã chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.
Thống kê cho thấy, riêng lĩnh vực thương mại điện tử, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1 tỷ đồng.
Hiện nay, các mặt hàng bị làm giả rất đa dạng, từ đồng hồ, túi xách hàng hiệu đến mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng, đồ điện tử, sách vở, đồ gia dụng, sữa bột, dầu ăn…
Những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc.