Thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm không thể đẹp nếu thiếu chuẩn hóa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khép lại trong sự thở phào của nhiều thí sinh và giáo viên, khi phổ điểm hai môn từng bị đánh giá là khó (toán và tiếng Anh) được một số chuyên gia nhận xét là "đẹp bất ngờ".
thi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuy nhiên, việc ca ngợi phổ điểm đẹp nếu chỉ dựa vào hình dáng biểu đồ hoặc cảm tính trực quan là thiếu cơ sở khoa học và dễ gây ngộ nhận.

Một phổ điểm "đẹp" chỉ có giá trị khi phản ánh trung thực năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra, đảm bảo công bằng giữa các nhóm thí sinh và được xây dựng trên nền đề thi đạt chuẩn trắc nghiệm khách quan.

Dữ liệu phổ điểm hai môn toán và tiếng Anh năm nay thực chất lại đang đặt ra những cảnh báo quan trọng.

Trước hết, cần nhìn lại các thông số kỹ thuật. Môn toán có điểm trung bình 4,78, trung vị 4,6 - gần một nửa học sinh dưới 5 điểm. Chỉ 12% thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên, trong khi gần 8% dưới 2,5 điểm.

Môn tiếng Anh có điểm trung bình 5,38 và trung vị 5,25, nhưng vẫn có tới 38% dưới trung bình. Những con số này không thể gọi là "đẹp" vì cho thấy mặt bằng kết quả thấp và phân bố lệch - đặc biệt ở môn toán.

'Mưa' điểm 10 thi tốt nghiệp THPT, nhưng điểm chuẩn dự kiến giảm

Theo nguyên lý đánh giá trong thi trắc nghiệm, một phổ điểm chỉ có giá trị sử dụng nếu đi kèm với các chỉ số ổn định về phân phối, độ phân biệt và độ tin cậy của đề thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện là kỳ thi "hai trong một" - vừa để xét tốt nghiệp vừa để tuyển sinh đại học.

Và để phục vụ đồng thời mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, đề thi trắc nghiệm chuẩn thường được thiết kế với khoảng 60-65% câu hỏi ở mức nhận biết - thông hiểu, còn lại là mức vận dụng và vận dụng cao nhằm phân loại thí sinh.

Trong thiết kế trắc nghiệm, điều này hoàn toàn khả thi nếu ngân hàng câu hỏi được chuẩn hóa và các câu hỏi được thử nghiệm trước (pilot test) nhằm xác định độ khó và độ phân biệt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đề thi hiện nay vẫn chưa trải qua quy trình chuẩn hóa đầy đủ. Việc chuyển đổi sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng làm lộ rõ sự lúng túng trong thiết kế đề thi ở môn toán và tiếng Anh.

Vì thiếu chuẩn hóa, phổ điểm trở nên kém tin cậy. Với môn toán, phổ điểm năm nay bị lệch phải nhẹ, với đỉnh rơi vào khoảng 4-4,5 điểm - tức phần lớn thí sinh tập trung ở mức điểm thấp.

Trong một kỳ thi quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu về năng lực toán học phổ thông.

Môn tiếng Anh tuy có phân bố điểm trông "cân đối" hơn nhưng thực chất phản ánh kết quả của một nhóm thí sinh đã qua chọn lọc - vì đây là môn tự chọn, chỉ có khoảng 350.000 học sinh dự thi, giảm mạnh so với những năm trước. Gần 40% vẫn dưới điểm trung bình - một con số khiến dư luận lo ngại.

Tuy nhiên, khi đề thi chưa được chuẩn hóa, kết quả này chủ yếu phản ánh mức độ "được thi" chứ chưa thể khẳng định mức độ "học được" hay chất lượng dạy học thực sự. Cần có thêm các phân tích theo vùng miền, điều kiện học tập và bối cảnh nhà trường để có kết luận xác đáng.

Đáng lưu ý, trong khi rất ít học sinh đạt điểm 9-10 trong kỳ thi tốt nghiệp thì nhiều trường lại quy đổi IELTS 6.5 thành 9-10 điểm tiếng Anh - tạo ra sự chênh lệch có thể gây bất công nếu không được điều tiết minh bạch.

Từ các dữ liệu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện đầy đủ quy trình chuẩn hóa đề thi: xây dựng ngân hàng câu hỏi bám sát chuẩn đầu ra, thử nghiệm câu hỏi với mẫu đại diện, phân tích độ khó - độ phân biệt và kiểm định độ tin cậy tổng thể.

Cấu trúc đề thi phải được thiết kế phân tầng rõ ràng, công bố minh bạch ma trận và mục tiêu của từng phần. Điều này giúp học sinh thi tốt nghiệp giảm áp lực, trong khi các trường đại học vẫn có cơ sở lựa chọn phù hợp.

Ngoài ra, cần điều chỉnh cách sử dụng chứng chỉ quốc tế trong tuyển sinh, tránh tạo lợi thế không công bằng cho một nhóm học sinh.

Cuối cùng, đánh giá phổ điểm phải dựa trên tham số thống kê - như trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn, phân bố điểm và độ tin cậy của đề - thay vì chỉ nhìn biểu đồ hoặc ý kiến cảm tính từ chuyên gia.

Phổ điểm không thể đẹp nếu thiếu chuẩn hóa - Ảnh 1.Điểm sàn nhiều trường đại học lớn ở TP.HCM thấp bất ngờ, có ngành giảm 7 điểm

Nhiều trường đại học lớn ở TP.HCM có điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 và các phương thức khác thấp bất ngờ.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề