
Trung tâm AI trên "nóc nhà thế giới"
Yajiang-1, một trung tâm điện toán tiên tiến tọa lạc tại cái nôi của nền văn minh Tây Tạng dọc theo dòng sông Yarlung Tsangbo, đang được xây dựng và hoạt động như một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm biến nơi được ví như nóc nhà của thế giới thành tiền đồn chiến lược cho siêu máy tính bền vững.
Cơ sở này là trung tâm lớn đầu tiên của chiến lược Eastern Data, Western Computing - "Đông dữ liệu, Tây điện toán" - dự án trên Cao nguyên Tây Tạng tận dụng môi trường khắc nghiệt của khu vực để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) khổng lồ - lên tới hàng triệu giờ xử lý mỗi năm – giúp tiết kiệm năng lượng hơn đáng kể.

Trung Quốc có kế hoạch khai thác nguồn lạnh tự nhiên, nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và công nghệ thu hồi nhiệt thải sáng tạo để xây dựng thêm nhiều trung tâm AI như Yajiang-1, nằm ở độ cao 3.600 mét.
Nằm ở Shannan, một thành phố ở khu tự trị Tây Tạng, giai đoạn đầu của trung tâm sẽ triển khai hơn 256 máy chủ điện toán tiên tiến, cung cấp tổng sức mạnh xử lý là 2.000 petaflop.
Cơ sở này được Công ty Công nghệ Máy tính Tây Tạng Yarlung Zangbo và chính quyền địa phương cùng phát triển, nhằm mục đích tiên phong trong nền kinh tế kỹ thuật số vùng cao.
"Yajiang-1 sẽ thúc đẩy đổi mới tiên tiến trong đào tạo AI, xe tự lái, chăm sóc sức khỏe thông minh và giám sát hệ sinh thái cao nguyên", Han Shuangshuang, tổng giám đốc công ty nói với Science and Technology Daily, tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Trung Quốc ra mắt chiến lược Eastern Data, Western Computing vào năm 2022 để chuyển dịch xử lý dữ liệu từ các vùng phía đông, nơi nhu cầu điện toán rất lớn, sang các vùng phía tây giàu năng lượng tái tạo.
Sáng kiến quốc gia này thiết lập các trung tâm dữ liệu ở phía tây để xử lý phân tích ngoại tuyến, lưu trữ và các tác vụ điện toán không khẩn cấp từ miền đông Trung Quốc.
Yajiang-1 tận dụng môi trường độc đáo của Tây Tạng để hoạt động bền vững. Độ cao này cung cấp điều kiện lạnh tự nhiên, ít oxy giúp giảm nhu cầu làm mát, trong khi tài nguyên tái tạo– bao gồm năng lượng mặt trời, thủy điện và gió – giúp giảm đáng kể chi phí vận hành.

Yajiang-1, một trung tâm điện toán tiên tiến, nằm ở độ cao 3.600 mét tại thành phố Sơn Nam.
Bài toán môi trường
Dù đầy tiềm năng, các báo cáo cũng thừa nhận khó khăn về tính chất môi trường và giá trị của khu vực với nhu cầu kinh tế và công nghệ của chương trình.
"Để giải quyết thách thức toàn cầu trong việc cân bằng nhu cầu điện toán với bảo vệ sinh thái khi xây dựng một trung tâm dữ liệu ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển, trung tâm này sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời + thu hồi nhiệt thải + làm mát hiệu suất cao tiên tiến", báo cáo do cơ quan xúc tiến đầu tư của Shannan công bố.
Theo báo cáo, phương pháp tiếp cận tích hợp này duy trì xếp hạng Hiệu quả sử dụng điện năng (PUE) hàng đầu trong ngành ở mức dưới 1,3, đạt hiệu suất năng lượng cao hơn 40% so với các trung tâm dữ liệu thông thường.
Theo báo cáo, khi đạt công suất tối đa, trung tâm có công suất 2.000 petaflop này sẽ xử lý khoảng 4 triệu giờ đào tạo AI hàng năm cho miền đông Trung Quốc - tương đương với tiết kiệm 320 triệu kilowatt-giờ (kWh) điện và giảm 280.000 tấn khí thải carbon mỗi năm.
Báo cáo của cục đầu tư cho biết các tác động đến môi trường đã được giảm thiểu hơn nữa thông qua 25.000 mét vuông tấm pin mặt trời tại chỗ tạo ra 48 gigawatt giờ (GWh) điện sạch hàng năm, trong khi các hệ thống thu hồi nhiệt tiên tiến chuyển đổi nhiệt thải của máy chủ thành nhiệt sưởi ấm cho các cơ sở lân cận, loại bỏ 12.000 tấn than tiêu thụ mỗi năm.
Kế hoạch "Đông dữ liệu, Tây điện toán" ban đầu chỉ định tám trung tâm điện toán quốc gia – với các cụm phía tây chỉ vươn tới Ninh Hạ và Cam Túc. Yajiang-1 mở rộng khuôn khổ này vào Tây Tạng.
Cơ sở này nhấn mạnh vai trò của mình như một "nút thắt quan trọng" trong kế hoạch phát triển "điện toán Everest" của Tây Tạng, kết nối Lhasa với các trung tâm khu vực như Nyingchi và Qamdo ở khu tự trị Tây Tạng. Sự mở rộng định vị Tây Tạng như một đường biên mới cho tham vọng điện toán xanh của Trung Quốc.