Sau sầu riêng, đâu là loại trái cây tỉ đô mới của Việt Nam?

Sau sầu riêng, thanh long, nhóm cây trồng chủ lực dứa, chuối, dừa, chanh dây… đều có triển vọng mang về kim ngạch xuất khẩu tỉ USD.

Ngày 18-7, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tọa đàm thúc đẩy phát triển nhóm cây trồng chủ lực như dứa, chuối, dừa, chanh dây... với mục tiêu sớm đưa các mặt hàng này gia nhập "câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô".

4 loại trái cây tỉ đô mới của Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sầu riêng và thanh long hiện đều đạt kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD. Tuy nhiên, cả hai đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc – nơi yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và quy chuẩn kỹ thuật.

Trước tình hình đó, Bộ đã định hướng mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu những loại trái cây khác nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc và nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành hàng trái cây Việt.

Cụ thể, các loại cây trồng như dừa, chuối, dứa và chanh dây hiện có quy mô sản xuất lớn, nếu được đầu tư đúng hướng và có chiến lược bài bản sẽ phát triển mạnh.

Thống kê cho thấy hiện cả nước có khoảng 202.000 ha dừa, sản lượng đạt 2,28 triệu tấn mỗi năm. Dừa tươi đã mang lại kim ngạch xuất khẩu gần 400 triệu USD. Nếu tính cả các sản phẩm chế biến sâu, ngành hàng này đang tiến gần ngưỡng xuất khẩu 1 tỉ USD.

Sau sầu riêng, đâu là loại trái cây tỉ đô mới của Việt Nam?- Ảnh 1.

Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về giải pháp tạo lợi thế cạnh tranh cho các loại nông sản chủ lực

Đối với chuối, Việt Nam từng không có tên trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Thế nhưng đến năm 2024, chuối Việt đã đạt kim ngạch 378 triệu USD, xếp thứ 9 toàn cầu. Theo ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Unifarm, nếu ứng dụng công nghệ cao và cải tiến giống, nâng giá trị sản xuất trên mỗi hecta lên 20.000 USD, thì mặt hàng chuối có thể mang về tới 4 tỉ USD mỗi năm.

Tương tự, dứa cũng là loại trái cây đầy tiềm năng, khi thị trường toàn cầu đạt giá trị khoảng 29 tỉ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 6,3% mỗi năm. Nhu cầu tiêu thụ chủ yếu đến từ các thị trường cao cấp như EU và Bắc Mỹ.

Trong khi đó, chanh dây, loại quả đặc trưng của vùng nhiệt đới, cũng đang được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng, nhất là vào mùa đông khi quốc gia này không thể tự sản xuất. Sản phẩm chanh dây tươi và cô đặc đều có nhu cầu tăng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu chính ngạch.

Hết thời "ăn tươi, bán thô"

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh cả bốn loại trái cây nói trên đều có lợi thế rõ rệt trong phát triển công nghiệp chế biến sâu, một hướng đi tất yếu để vượt qua giới hạn "ăn tươi, bán thô". Các sản phẩm như nước ép chanh dây, dứa đóng hộp, chuối sấy khô, dầu dừa... đều có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại: xanh – sạch – tiện lợi.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu tỉ đô, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua, như: cơ cấu giống còn đơn điệu, vùng nguyên liệu manh mún và chưa đạt chuẩn quốc tế, liên kết sản xuất thiếu tính ổn định, tỉ lệ chế biến sâu còn thấp và đặc biệt là sự thiếu vắng thương hiệu quốc gia cho nông sản chủ lực.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thúc đẩy tái cấu trúc ngành hàng, xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức lại liên kết sản xuất và đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch để đưa trái cây Việt hội nhập bền vững.