Kiến tạo nền kinh tế hội nhập, phát triển và bao trùm
Sáng 9/7, tại Hội nghị đầu tư Techcombank 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện cơ cấu đổi mới kinh tế, và thúc đẩy mạnh mẽ các kênh đầu tư phát triển, nhằm thực hiện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết, gồm Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết 06 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành luật. Đây là nền tảng và là kim chỉ nam để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Quốc hội đã sửa đổi 28 luật để mở đường thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, thu hút nguồn lực, công nghệ và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị.
Nửa đầu năm, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, đạt tăng trưởng 7,52%, chỉ số tăng trưởng cao trong tình hình hiện nay và phấn đấu cả năm 8%, hướng đến năm đến 2030 phấn đấu tăng trưởng 10%.
Phó Thủ tướng thông tin, thời gian tới, sẽ khởi công các công trình lớn như đường cao tốc từ Lào Cai - Hà Nội xuống Hải Phòng với tổng mức đầu tư 18 tỷ USD. Chuẩn bị đầu tư để sang năm khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM với vận tốc 350 km/h, dài 1,541 km và sau đó sẽ nối xuống Cà Mau, tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Cùng với đó là thực hiện một loạt giải pháp thúc đẩy cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư khoa học công nghệ. Tập trung mô hình kinh tế, dựa trên năng suất, công nghệ cao, sáng tạo và công nghệ số.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới, khu vực tư nhân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế biến, dịch vụ và cả đầu tư tài chính.
"Chính phủ sẽ kiến tạo nền kinh tế hội nhập, phát triển và bao trùm. Chúng tôi cam kết đối xử một cách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sát cánh và cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường phát triển", Phó Thủ tướng khẳng định.
Ba trụ cột chính cho phát triển kinh tế
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nêu bật tiềm năng và thế mạnh đặc biệt của Việt Nam giữa bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Bà cho biết, dù kinh tế toàn cầu chịu tác động mạnh từ cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu và chính sách thuế quan của các thị trường lớn như Mỹ, Việt Nam vẫn đang khẳng định vị thế là một điểm sáng kinh tế, một trung tâm sản xuất mới và là đối tác tin cậy.
Theo bà Thắng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, kinh tế có lợi thế cạnh tranh độc đáo bao gồm lực lượng lao động trẻ, chất lượng cao và năng động; vị trí địa lý cửa ngõ kết nối với các nền kinh tế lớn; và đặc biệt là hệ thống 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Để vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội, Bộ Công Thương đã xác định ba trụ cột chính trong chiến lược phát triển. Thứ nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo – lĩnh vực chủ lực, dù đang gặp khó khăn do thuế quan đối với các ngành như dệt may, điện tử, ô tô, nhưng cũng mở ra cơ hội thúc đẩy công nghệ cao như chip bán dẫn, thiết bị y tế.
Thứ hai là năng lượng xanh. Theo bà Thắng, năng lượng tái tạo là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng năng lượng thông minh.
Thứ ba là thương mại và dịch vụ số. Đây là lĩnh vực đang tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đang được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ góc nhìn toàn cầu, bà Tamara Henderson – chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg cho rằng Việt Nam cần tận dụng tốt những lợi thế hiện có để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao trong thập kỷ tới.

Bà Tamara Henderson – chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg.
Bà cho biết điểm khác biệt của Việt Nam chính là khả năng thích ứng nhanh của lực lượng lao động trẻ, cùng với tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) khi các nhà đầu tư tìm kiếm điểm đến ổn định, năng động và có chi phí cạnh tranh.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0. Đồng thời, chuyển dịch sang năng lượng bền vững là bước đi cần thiết để giảm chi phí sản xuất, thích nghi với yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Henderson cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. "Từ năm 2020 đến nay, chỉ số quản trị của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt, thể hiện cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các dòng vốn FDI," bà nói.
Nhìn về tương lai, bà Henderson cho rằng Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn, đặc biệt khi tỉ lệ nợ công/GDP vẫn đang ở mức thấp, dưới 60%. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư đang dần cải thiện theo chiều hướng tích cực trong toàn khối ASEAN. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, tăng tốc chuyển đổi số và hỗ trợ hiệu quả cho khu vực tư nhân – lực lượng tiên phong trong hành trình phát triển.