Ông vua smartphone Trung Quốc từng phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống sót, nay trở lại ngoạn mục, trở thành ‘người hùng quốc gia’

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng nói: "Hoa mận nở sau mùa đông lạnh giá" và Huawei giờ đây chính là bông hoa mận ấy, nở rộ sau những năm tháng khắc nghiệt.
Ông vua smartphone Trung Quốc từng phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống sót, nay trở lại ngoạn mục, trở thành ‘người hùng quốc gia’- Ảnh 1.

Năm 2021, "ông vua smartphone Android" của Trung Quốc là Huawei rơi xuống đáy vực khi bị Mỹ cấm vận, mất quyền truy cập vào hệ điều hành Android, chip bán dẫn cao cấp và hàng loạt linh kiện chiến lược, tập đoàn từng dẫn đầu toàn cầu buộc phải từ bỏ ánh hào quang quá khứ, xoay xở từng cách để sống sót.

Huawei phải bán mảng điện thoại Honor, lao vào ngành điện toán đám mây, ô tô điện, thậm chí mở rộng sang khai khoáng, những lĩnh vực mà trước đó họ chưa từng nghĩ đến.

Tuy nhiên chỉ sau vài năm, câu chuyện ngỡ như sụp đổ ấy lại chuyển hướng ngoạn mục. Huawei không chỉ sống sót mà đang trỗi dậy như một biểu tượng công nghệ mới của Trung Quốc, trở thành đối trọng với các ông lớn phương Tây như Nvidia, không chỉ trên thị trường chip AI mà còn trong cuộc đua thiết lập tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.

Ông vua smartphone Trung Quốc từng phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống sót, nay trở lại ngoạn mục, trở thành ‘người hùng quốc gia’- Ảnh 2.

Từ "bước đường cùng" đến "người hùng quốc gia"

"Chúng tôi vẫn sống sót" – đó là lời thú nhận cay đắng nhưng đầy kiêu hãnh của Tao Jingwen, thành viên hội đồng quản trị Huawei, khi công ty công bố lợi nhuận năm 2022 giảm tới 70%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Thời điểm ấy, Huawei phải bán điện thoại, làm xe, đào mỏ để tìm lối thoát. Không còn là gã khổng lồ smartphone toàn cầu, Huawei gần như bị xóa tên khỏi sân chơi quốc tế bởi các lệnh cấm từ Mỹ.

Thế nhưng, chỉ một năm sau, bức tranh hoàn toàn đổi màu.

Doanh thu Huawei năm 2023 tăng 9% bất chấp thị trường smartphone toàn cầu suy thoái. Đầu năm 2024, Huawei vượt mặt Apple tại Trung Quốc, với doanh số tăng 64% trong khi iPhone lao dốc 24%. Mate 60 Pro – chiếc điện thoại 5G sử dụng chip Kirin 9000s tự phát triển – khiến giới công nghệ phương Tây sững sờ: Làm sao một công ty bị cấm toàn bộ công nghệ Mỹ lại có thể trở lại nhanh như vậy?

Câu trả lời nằm ở sự kiên cường, chiến lược đầu tư dài hạn và một cú bắt tay ngầm với mục tiêu quốc gia. Huawei đã cho thấy một tinh thần quật cường đáng kinh ngạc. Thay vì gục ngã, họ đã biến áp lực thành động lực, dồn toàn lực vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong bối cảnh Mỹ siết chặt xuất khẩu chip AI, Trung Quốc buộc phải phát triển lực lượng công nghệ nội địa và Huawei, với kinh nghiệm chiến đấu trong lệnh trừng phạt, được lựa chọn như một "quốc bảo" công nghệ, nhận hỗ trợ tài chính khổng lồ để tự chủ hóa.

Năm 2022, Huawei chi hơn 161 tỷ Nhân dân tệ (23,5 tỷ USD) cho nghiên cứu phát triển, tương đương 1/4 doanh thu toàn tập đoàn, mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ trong vài năm, hơn 13.000 linh kiện từng phải nhập khẩu từ Mỹ đã được Huawei và đối tác nội địa thay thế.

Kết quả là sự ra đời của Ascend 910B – dòng chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến, được đánh giá là "người kế nhiệm nội địa" của Nvidia A100, loại GPU hiện đang bị cấm bán cho Trung Quốc. Huawei không chỉ sản xuất phần cứng, mà còn tự phát triển hệ điều hành CANN, nền tảng thay thế CUDA – yếu tố quan trọng giúp các lập trình viên triển khai mô hình AI quy mô lớn.

Tháng 4/2024, Huawei tung ra hệ thống AI CloudMatrix 384 – liên kết 384 chip Ascend 910C, được đánh giá là có thể vượt qua hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia ở một số chỉ số hiệu suất.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, Huawei còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ Trung Quốc, với hàng tỷ Nhân dân tệ được rót vào các dự án nghiên cứu trọng điểm. Điều này đã giúp Huawei không chỉ tồn tại mà còn phát triển các công nghệ cốt lõi, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Ông vua smartphone Trung Quốc từng phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống sót, nay trở lại ngoạn mục, trở thành ‘người hùng quốc gia’- Ảnh 3.

Ông vua smartphone Trung Quốc từng phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống sót, nay trở lại ngoạn mục, trở thành ‘người hùng quốc gia’- Ảnh 4.

Không dừng lại ở chip, Huawei còn xây dựng hệ sinh thái AI toàn diện, từ phần cứng, nền tảng điện toán, đến mô hình ngôn ngữ lớn. Bộ AI Pangu của Huawei không chạy đua với GPT hay Gemini ở quy mô, mà tập trung vào các ứng dụng theo ngành như khai thác than, logistics, y tế và tài chính.

Huawei cũng đã phát triển hệ thống phần mềm CANN của riêng mình, một giải pháp thay thế cho CUDA của Nvidia, dù vẫn cần cải thiện khả năng tích hợp.

Ở vùng khai thác xa xôi, xe tải tự hành dùng 5G và AI của Huawei đã thay con người vận chuyển hàng trăm tấn than mỗi ngày. Từ mô hình AI đào tạo trong phòng lab, Huawei đưa trí tuệ nhân tạo bám rễ xuống lòng đất – một cách tiếp cận rất khác biệt so với các gã khổng lồ phương Tây.

Các lệnh hạn chế đã vô tình thúc đẩy Huawei trở thành một "nhà vô địch quốc gia" của Trung Quốc trong cuộc đua AI, nhận được nhiều động lực và sự hỗ trợ của nhà nước cho các kế hoạch AI của mình. Điều này được ví như "steroid" cho mảng phần cứng và phần mềm AI của Huawei.

Do các áp lực bên ngoài, Huawei đã buộc phải chuyển đổi và mở rộng trọng tâm kinh doanh cốt lõi của mình trong thập kỷ qua. Tập đoàn này hiện diện trong nhiều lĩnh vực từ xe thông minh, hệ điều hành đến các công nghệ cần thiết cho sự bùng nổ AI như bán dẫn tiên tiến, trung tâm dữ liệu, chip và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

Ngay cả CEO của Nvidia, Jensen Huang, cũng gọi Huawei là "một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới" và cảnh báo rằng Huawei có thể thay thế Nvidia tại Trung Quốc nếu Washington tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ.

Huawei giờ đây là hiện thân của quyết tâm "tự lực tự cường" trong chiến lược công nghệ của Bắc Kinh. Họ không chỉ sống sót mà đang trở thành hình mẫu cho cách Trung Quốc chống lại sức ép công nghệ từ phương Tây, đặc biệt là trong cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung.

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng nói: "Hoa mận nở sau mùa đông lạnh giá" và Huawei giờ đây chính là bông hoa mận ấy, nở rộ sau những năm tháng khắc nghiệt, trở lại không chỉ như một doanh nghiệp, mà như một thế lực công nghệ mang sứ mệnh quốc gia.

*Nguồn: CNBC, Fortune, BI