
Ông Đỗ Quang Thuận nhận định, với người trẻ, nếu có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 1 triệu đồng, họ sẵn sàng tối ưu nó, đơn giản vì tiện và đôi khi vì thấy nó giống như một “trò chơi”.
Chia sẻ từ ông Đỗ Quang Thuận - phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo - tại Hội nghị Đầu tư 2025 đã mở ra một góc nhìn khác biệt: tài chính không bắt đầu từ tiền nhiều, mà từ hành vi nhỏ được thiết kế đúng.
Bắt đầu từ các trải nghiệm rất nhỏ
Người trẻ hôm nay không chờ "có dư tiền" mới đầu tư. Họ bắt đầu hành trình tài chính từ các trải nghiệm tiêu dùng quen thuộc: thanh toán, hoàn tiền, tích điểm.
Với công nghệ và AI đồng hành, những khoản nhỏ - vài trăm nghìn đến một triệu đồng - trở thành cách để họ kiểm soát dòng tiền, đầu tư thử nghiệm và dần hình thành thói quen tài chính bền vững.
Theo ông Thuận, Gen Z và Millennials - nhóm người dùng chính của MoMo - đang chuyển dịch rõ rệt từ hành vi tiêu dùng sang hành vi tài chính.
"Dùng nhiều công cụ thông minh hơn để quản lý tài chính hay chi tiêu cá nhân - có thể là một báo cáo chi tiêu, hay chỉ là chuyện tối ưu hóa dòng tiền rất nhỏ - nhiều khi người ta làm chỉ vì nó vui".
Từ những hành vi "vừa túi - vừa vui", người trẻ bắt đầu khám phá các công cụ tài chính: gửi góp, đầu tư định kỳ, chứng chỉ quỹ...
Sự tiện lợi, dễ tiếp cận và trải nghiệm người dùng liền mạch khiến các hành vi này dần trở thành thói quen - không qua giáo dục lý thuyết, mà qua công nghệ cá nhân hóa.
Dữ liệu từ MoMo cho thấy người dùng sau khi trải nghiệm tính năng Quản lý Chi tiêu đã tăng 10-20% tần suất giao dịch mỗi tháng.
Trung bình một người ghi chép thêm 7 giao dịch ngoài app/tháng - những con số thể hiện hành vi tài chính đang dần hình thành từ chính tiêu dùng hằng ngày.

Các diễn giả tại phiên thảo luận Mối liên hệ tam giác: Tiêu dùng - Tiết kiệm - Đầu tư
Hành trình tiêu dùng hằng ngày
Chia sẻ tại sự kiện, ông Thuận nhận định hành trình tài chính của hàng triệu người dùng đại chúng - đặc biệt là giới trẻ - đang bắt đầu ngay trong chính trải nghiệm tiêu dùng hằng ngày.
MoMo hiện đang hợp tác với nhiều tổ chức tài chính để tích hợp các sản phẩm như tài khoản sinh lời, tiết kiệm online, chứng chỉ quỹ, tín dụng… trực tiếp vào luồng giao dịch mua sắm - từ thanh toán hóa đơn cho đến chuyển tiền và đầu tư nhỏ lẻ.
Ví dụ đơn giản, nếu còn 15 ngày nữa mới đến kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện 1 triệu đồng, người dùng vẫn có thể tận dụng khoảng thời gian đó để sinh lời tự động thông qua tài khoản sinh lời tự động trên ứng dụng.
Hoặc với những người có thói quen đầu tư đều đặn, liên tục tích lũy các khoản nhỏ, chẳng hạn như đầu tư vào chứng chỉ quỹ hay tiết kiệm với ngân hàng đối tác trên MoMo, thì họ vẫn có thể gặp những nhu cầu chi tiêu đột xuất, khiến dòng tiền có sự biến động.
Khi đó, họ cần một sản phẩm tương tự như thẻ tín dụng, một hạn mức tín dụng giúp họ cân bằng dòng tiền và không ảnh hưởng đến danh mục đầu tư dài hạn - ông dẫn chứng.
Việc tích hợp đa dịch vụ giúp người dùng đại chúng dễ dàng quản lý tài chính mà không cần quá nhiều kiến thức chuyên môn.
Người đồng hành tài chính cho số đông
Trong bối cảnh người dùng ngày càng kỳ vọng kiểm soát tài chính một cách chủ động mà không cần trở thành chuyên gia, AI đóng vai trò then chốt trong việc biến dữ liệu hành vi thành các gợi ý tài chính bền vững - từ các khoản chi tiêu nhỏ lẻ đến chiến lược đầu tư dài hạn.
Theo ông Thuận, trong thế giới tài chính cá nhân hóa, dữ liệu là nguyên liệu - nhưng AI mới là "đầu bếp trưởng".
Từ mỗi giao dịch nhỏ, hệ thống sẽ học hỏi và cá nhân hóa hành trình tài chính: nên chi tiêu thế nào, tiết kiệm bao nhiêu, đầu tư vào đâu.
"AI giúp mang sản phẩm tài chính đến với hàng triệu người chưa từng tiếp cận - một cách dễ hiểu, vừa túi và đúng lúc".
Từ mô hình AI scoring hỗ trợ người không có lịch sử tín dụng, đến trợ lý tài chính Moni gợi ý chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư linh hoạt - MoMo đang chuyển hóa các khái niệm tài chính thành trải nghiệm thân thiện.
Người dùng không cần hiểu khái niệm "tích lũy" hay "hạn mức tín dụng", họ chỉ cần thấy gợi ý phù hợp với dòng tiền, bối cảnh và năng lực của mình.
Phục vụ hơn 30 triệu người dùng, ứng dụng đang dần khẳng định rõ vai trò của một nền tảng tài chính hiện đại, tiên phong - nơi người dùng có thể chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm và vay vốn trong cùng một hành trình.
"Người dùng không mua sản phẩm tài chính. Họ mong muốn làm được nhiều hơn với tiền của mình".
Đây là định hướng mà MoMo theo đuổi khi phát triển vai trò trợ lý tài chính cá nhân - không phức tạp hóa trải nghiệm, mà đưa tài chính trở thành điều tự nhiên, vừa túi, vừa tâm lý và đúng thời điểm với từng người Việt.
Đây cũng là nền tảng cho xu hướng quản lý tài sản đại chúng mà ứng dụng đang hướng tới - nơi việc luân chuyển giữa các dòng tiền, giữa chi tiêu và đầu tư, trở nên mượt mà và tự nhiên.