Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn"

Sau nhiều năm luẩn quẩn với điệp khúc “được mùa mất giá”, nông sản Đồng Nai đang đứng trước cơ hội vàng để tái cấu trúc toàn diện theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Nếu vượt qua được những điểm nghẽn cố hữu, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD/năm hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Cánh đồng lớn, nhà máy nhỏ

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, Đồng Nai có diện tích tự nhiên gần 12,8 ngàn km² với địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ và mạng lưới sông ngòi phong phú, tỉnh Đồng Nai có điều kiện phát triển đồng đều cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là phần lớn lượng nông sản này vẫn xuất thô hoặc sơ chế đơn giản. 

Cà phê và điều là hai mặt hàng hiếm hoi có tỉ lệ chế biến sâu tương đối cao, còn lại xoài, sầu riêng, chuối, tiêu… chủ yếu xuất khẩu ở dạng tươi, không thương hiệu, không giá trị gia tăng. Điều này khiến thu nhập của nông dân luôn bấp bênh, dễ "trồi sụt" theo biến động thị trường.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn" - Ảnh 1.

Một góc vườn bưởi xanh mướt tại làng bưởi Tân Triều (phường Tân Triều, Đồng Nai) vùng chuyên canh nổi tiếng với đặc sản bưởi Tân Triều lâu đời, gắn bó với đời sống và kinh tế của người dân địa phương.

Hệ thống chế biến tại chỗ ở Đồng Nai còn khá manh mún, phân tán. Mặc dù có diện tích cây ăn trái lớn nhưng số lượng nhà máy chế biến đạt chuẩn rất ít, công suất lại không tương xứng.

Giám đốc HTX Xoài tại xã Xuân Lộc (Đồng Nai) - ông Nguyễn Thế Bảo thông tin, đối với trái cây tươi, đến kỳ là phải thu hoạch và không thể dừng lại được. Điểm nghẽn hiện nay là tại các vùng sản xuất thiếu những kho bảo quản để trữ trái cây tươi khi thu hoạch rộ vụ hoặc khi thị trường gặp khó khăn…Hiện nay, đa số các nhà máy chế biến xoài lại nhập khẩu trái xoài từ Campuchia về chế biến.

Nguyên nhân là do nông dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trong khi khả năng của HTX không có nguồn vốn để bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Bài toán giúp nông dân trữ trái cây tươi, chế biến sâu phải có những DN nằm ngay tại vùng nguyên liệu.

Hai năm nay, HTX làm nhà xưởng quy mô nhỏ gồm kho lạnh trữ hàng, sơ chế để cung cấp cho DN chế biến. Tuy nhiên, làm mô hình này, HTX đang vướng rất nhiều về quy định, chính sách. Vì thế, cần Nhà nước tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, HTX xây dựng cơ sở bảo quản, sơ chế ngay tại vùng sản xuất.

Đầu năm 2025, Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Phước (cũ), các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã áp dụng GAP, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng, tình trạng "thừa hàng - chậm tiêu thụ" vẫn diễn ra phổ biến.

Thương lái Đỗ Thị Ngọc Tuyết (xã Bù Đăng, tỉnh Đồng) cho biết, sầu riêng Ri6 hiện tại chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi năm trước có thời điểm lên tới 90.000- 130.000 đồng/kg. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi kiểm định xuất khẩu, thì cũng đúng thời điểm nhiều loại trái cây khác như vải, chôm chôm, xoài vào mùa...

Thực tế, theo ghi nhận Người Đưa Tin phần lớn nhà vườn tại Đồng Nai vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu vốn, thiếu công nghệ và đặc biệt là thiếu khả năng tiếp cận thị trường.

Do đó, họ không đủ nguồn lực để đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu. Chuỗi giá trị không thể hình thành, còn giấc mơ xuất khẩu bền vững vẫn mãi loay hoay.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn" - Ảnh 2.

Bên trong một xưởng sơ chế mít tại xã Xuân Lộc, nơi trái cây được phân loại, xử lý và đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2025, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì, nhằm tháo gỡ những "nút thắt" và đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp tái thiết ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Các ý kiến tại hội nghị tập trung phản ánh thực tế như giá nông sản bấp bênh, vật tư đầu vào tăng cao, HTX và nông dân thiếu vốn sản xuất, thiếu đầu ra ổn định, thiếu thương hiệu và mã số vùng trồng xuất khẩu. Họ cũng đề xuất được hỗ trợ đầu tư nhà xưởng bảo quản – sơ chế ngay tại vùng nguyên liệu; được đầu tư về thủy lợi, hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đề nghị thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần có kế hoạch, kịch bản linh hoạt thích ứng với các biến động khách quan; chủ động khắc phục những tồn tại của ngành để phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Đồng thời, cũng đề nghị các sở, ngành, Hội Nông dân tập trung triển khai cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời xử lý các vấn đề của nông dân và doanh nghiệp. 

Tư duy mới, cách làm mới

Đồng Nai hội tụ đủ các điều kiện về "thiên thời, địa lợi", thích hợp cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Thực tế tại Đồng Nai cho thấy, nhiều HTX tại Đồng Nai đã chứng minh được hiệu quả vượt trội trong việc giúp thành viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Các HTX chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… đã áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chẳng hạn, một số HTX trồng cây ăn trái như HTX xoài Suối Lớn, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phú… đã liên kết với các doanh nghiệp lớn, đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch hoặc xuất khẩu, giúp thành viên tăng thu nhập gấp nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn" - Ảnh 3.

Nông dân đang thu hoạch chuối tại một vườn chuối ở xã Bàu Hàm, tỉnh Đồng Nai.

Điển hình như HTX Phú Sơn (xã Phú Lâm, tỉnh Đồng Nai) dù mới thành lập nhưng đã quy tụ gần 500ha sầu riêng, trong đó 350ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc – lớn nhất tỉnh. 

Hay hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Nghé (phường Phước Long, tỉnh Đồng Nai) là một trong những đơn vị tiêu biểu. 

Với 26 thành viên canh tác trên 244 ha, trong đó có 200 ha đã được cấp mã vùng trồng, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất khép kín, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Năm 2023, những trái sầu riêng đầu tiên của hợp tác xã đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, không ít HTX vẫn gặp khó trong việc tiếp cận vốn, mở rộng quy mô, đăng ký sở hữu trí tuệ. Do đó, vai trò của chính quyền trong hỗ trợ về chính sách, đào tạo và hạ tầng kỹ thuật là hết sức quan trọng.

Ông Phạm Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV XNK Việt Trung (phường Phước Bình, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, yêu cầu của cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đối với chất lượng nông sản ngày càng khắt khe và bài bản. 

Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây tươi vi phạm quy định, thậm chí giả mạo mã số. Những trường hợp này không chỉ bị thu hồi mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà còn gây tổn thất lớn cho toàn chuỗi cung ứng.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn" - Ảnh 4.

Một nhà vườn tại làng bưởi Tân Triều chặt bỏ vườn bưởi đang cho trái để chuyển đổi cây trồng, quyết định bất đắc dĩ giữa lúc đầu ra bấp bênh, giá bưởi lao dốc kéo dài, khiến việc duy trì canh tác không còn hiệu quả kinh tế.

“Việc khôi phục mã số bị thu hồi mất rất nhiều thời gian, công sức và làm gián đoạn cơ hội xuất khẩu của nông dân, ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt”, ông Vũ nhấn mạnh. 

Theo ông, để bảo vệ thương hiệu và duy trì thị trường, các hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp cần cùng tham gia vào công tác giám sát, xây dựng cơ chế kiểm soát cộng đồng minh bạch, rõ ràng. Đây là nền tảng để nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn"- Ảnh 5.

Vườn sầu riêng của anh Lợi dù đã đặt cọc mua sầu riêng từ trước vụ, đến khi vào thu hoạch, thương lái bất ngờ "lặn mất tăm", không đến vặt trái như cam kết.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu phát triển chế biến sâu đúng hướng, giá trị xuất khẩu nông sản Đồng Nai có thể tăng 1,5 – 2 lần. Khi đó, nông dân không còn lo "được mùa mất giá", doanh nghiệp cũng không phải chạy đôn đáo tìm nguồn hàng đạt chuẩn.

Tái thiết nông sản không thể là cuộc chạy nước rút, mà phải là hành trình dài hơi. Nhưng nếu chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng nhìn về một hướng, thì nông sản Đồng Nai hoàn toàn có thể gặt mùa vàng không chỉ trong nước, mà cả trên thị trường quốc tế nơi đòi hỏi khắt khe nhưng đầy tiềm năng.

Tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch 135/KH-UBND về Chương trình OCOP đến năm 2025, phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm đạt 3 sao trở lên và sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao quốc gia. Song song đó là hỗ trợ ứng dụng công nghệ, phát triển thương hiệu, sở hữu trí tuệ – những yếu tố nền tảng để nông sản địa phương có vị thế trên thị trường.

Đoàn Vũ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giá nông sản “chạm đáy”, nông dân xứ Nghệ tự cứu mình nhờ công nghệNâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 2: Tái cấu trúc nông nghiệp để vượt "điểm nghẽn" - Ảnh 8.