Mặc 'Sell in May', cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút tiền trong tháng 5

Trái với quan niệm “Sell in May” thường khiến nhà đầu tư e dè, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5/2025 chứng kiến diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Với vai trò đầu tàu, các mã ngân hàng không chỉ dẫn dắt chỉ số VN-Index mà còn khẳng định sức hút bền bỉ trong bối cảnh thị trường biến động.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), chỉ số VN-Index đã tăng trưởng hơn 9,4% kể từ đầu tháng 5, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp không nhỏ vào đà tăng này.

Cụ thể, một loạt cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân lớn trong nhóm VN30 ghi nhận mức tăng giá mạnh như: TCB (+16%), VPB (+12%), SHB (+9,5%),.... Tương tự, cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh cũng có được mức tăng giá tốt gồm: MBB (+4,5%), BID (+5,6%) và CTG (+6%).

Đáng chú ý, phần lớn cổ phiếu ngân hàng trên thị trường UPCoM đều có mức tăng ấn tượng trong tháng 5 như: KLB (+41%), VAB (+25,5%), VBB (+19%), ABB (+11%), BVB (+10%).

Không chỉ tăng giá tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng duy trì thanh khoản ở mức cao trong tháng 5, dù đã hạ nhiệt phần nào so với xu hướng bắt đáy mạnh ở tháng 4.

Theo giới phân tích, nhóm ngân hàng thu hút được nhiều dòng tiền tham gia từ cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân, do định giá thấp và kỳ vọng tăng trưởng ở phía trước. Một số cổ phiếu còn có câu chuyện riêng hỗ trợ. Trước đó, nhịp điều chỉnh mạnh đầu tháng 4/2025 do lo ngại rủi ro thuế quan, kết hợp với nền tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong quý 1, đã kéo định giá P/E xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Số liệu của FiinTrade cho thấy, kể từ năm 2019, chỉ có hai thời điểm P/B ngành ngân hàng giao dịch ở vùng định giá tương tự. Đầu tiên là lúc khởi phát dịch Covid-19 và thời điểm xảy ra sự kiện Vạn Thịnh Phát.

Trong lần chia sẻ với báo chí gần đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBankS, cho rằng về trung và dài hạn, ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn. Các yếu tố hấp dẫn bao gồm tăng trưởng tín dụng ở mức cao; cơ hội tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi, dù hiện tại xu hướng là chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm với nền kinh tế thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý. 

"Nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền", ông Sơn đánh giá.

Nổi bật trong nhóm ngân hàng, SHB không chỉ lọt Top cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tháng 5 mà còn liên tục dẫn đầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn. Theo đó, thanh khoản cổ phiếu này liên tục dao động trong khoảng 50 – 100 triệu đơn vị/phiên, đỉnh điểm lên tới 168 triệu đơn vị vào phiên 15/5.

Sức hấp dẫn của cổ phiếu SHB cũng thu hút nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng mua ròng của khối ngoại đến hàng chục triệu đơn vị từ đầu năm.

Đến giữa tháng 5, vốn hóa SHB vượt hơn 2 tỷ USD. Vốn điều lệ ở mức 40.658 tỷ đồng, vững vàng vị thế Top 5 Ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Trong báo cáo "Dự phóng tái cơ cấu ETF quý II/2025" công bố mới đây, Chứng khoán Yuanta dự báo, SHB là một trong 3 cổ phiếu sẽ được 2 quỹ ETF điều chỉnh danh mục theo hướng tăng mạnh trong kỳ cơ cấu quý II/2025.

Cụ thể, Yuanta ước tính quỹ FTSE ETF sẽ mua thêm 17,7 triệu cổ phiếu SHB, trong khi VNM ETF sẽ mua thêm khoảng 4 triệu cổ phiếu của ngân hàng này.

Mặc 'Sell in May', cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút tiền trong tháng 5- Ảnh 1.

Theo Chứng khoán MayBank, SHB là số ít cổ phiếu đang giao dịch ở mức định giá thấp, P/E chỉ 5,28 và P/B ở mức 0,9. Năm 2024, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE của ngân hàng này đạt 21,4%, thuộc TOP cao nhất toàn ngành, biên lãi ròng NIM đạt 3,26%, trong khi CIR ở mức 24,5%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành và đã duy trì xếp hạng này trong nhiều năm.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán này, với quy mô tài sản và dư nợ cho vay hiện tại, SHB đang có dư địa lớn trong cải thiện biên lợi nhuận nếu hoạt động cho vay bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh. 

Cũng theo Chứng khoán Maybank, dựa trên các quan sát trong 12 tháng qua và cuộc họp với ngân hàng vào tháng 4/2025, Ngân hàng SHB đang có loạt chuyển đổi nội bộ đáng chú ý

Hiện tại, SHB đang triển khai chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, cùng các đối tác công nghệ hàng đầu như SAP Fiooner, Amazon…; thành lập đội ngũ chuyển đổi trong từng phòng ban để dẫn dắt sự thay đổi; triển khai các sáng kiến để cải thiện quản trị doanh nghiệp, bao gồm cả quan hệ nhà đầu tư…

Chứng khoán Maybank đánh giá loạt chuyển đổi trên đã đem lại các kết quả tích cực, phản ánh rõ nét vào các chỉ số hoạt động của Ngân hàng SHB.