
Đức Bảo chọn chạy xe công nghệ tạm thời để trang trải tiền sinh hoạt sau tốt nghiệp - Ảnh: AN VI
Chạy xe công nghệ 1 triệu đồng/ngày
Đặt vấn đề trên với bạn Phạm Đức Bảo (23 tuổi, ngụ phường Linh Xuân, TP.HCM), chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp ngành toán học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM chưa tròn một năm, Bảo trả lời: "Trước mắt tạm kiếm tiền đã, tôi Tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, đi làm 'nghề phụ huynh'Cử nhân lao đao tìm việc - Kỳ cuối: Lao động trẻ muốn sống sót phải làm sao?
Bảo cho biết ngành học của mình không cần phải thực tập năm cuối, chỉ cần làm đồ án tốt nghiệp nên đa phần khi ra trường các bạn mới bắt đầu xin việc.
Cậu dẫn chứng một vài người bạn mình sau hơn nửa năm nay vẫn chật vật không xin được việc, một số người khác chọn làm gia sư dạy theo giờ với thu nhập khiêm tốn.
Với Đức Bảo, sau khi tốt nghiệp, chàng trai 23 tuổi thức dậy từ 5h sáng để mở app chạy xe, đến khoảng 23h về lại phòng trọ. Có những tháng cao điểm cuối năm, Bảo trừ tiền sinh hoạt vẫn còn dư hơn 10 triệu tiết kiệm.
"Tụi bạn tôi ra cà phê than hoài chứ gì, dạy thêm có 20.000-30.000 đồng/giờ, đứa tốt nghiệp rồi vẫn ở phòng rải CV (đơn xin việc) khắp nơi. Trước tôi còn ngại nói mình chạy xe công nghệ, chứ giờ khoe tháng kiếm được mười mấy, hai chục triệu", Đức Bảo cười nói.
Song Bảo cũng thành thật sức khỏe và thời gian là thứ phải hy sinh rất nhiều khi chạy theo đồng tiền. Ra khỏi nhà lúc rạng sáng, về phòng khi trời đã khuya và chuyện cà phê với bạn bè cũng cực kỳ hiếm.
Kiếm được tiền là vậy, song chàng trai 23 tuổi nét mặt vẫn đầy tâm tư: "Tôi học bốn năm ròng rã, đâu có muốn chạy xe công nghệ mãi như này, đây là giải pháp tạm thời thôi. Tích lũy được một ít tôi sẽ bắt đầu đi rải CV, xin làm việc đúng chuyên ngành và dùng số tiền tích lũy để vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu".

Hằng đi làm thêm để kiếm tiền học thêm kỹ năng mới - Ảnh: QUỲNH QUỲNH
Chọn công việc làm thêm để nuôi sống bản thân
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Bùi Thị Thúy Hằng (22 tuổi, ngụ phường Bình Lợi Trung, TP.HCM) từng đi thực tập nhiều nơi. Nhưng rồi cô ngao ngán quay trở về công việc làm thêm hồi năm 2 vì mức lương thực tập không đủ trang trải.
"Mình từng làm thực tập sinh tại công ty xuất nhập khẩu bên Thủ Đức. Ngoài thời gian 8 tiếng ở cơ quan, thường mình phải làm thêm 3-4 tiếng tại nhà cho kịp tiến độ công việc. Chưa kể đến kiến thức chuyên môn doanh nghiệp đòi hỏi quá nặng so với một người mới như mình", Hằng chia sẻ.
Nhớ lại năm 2021, Hằng từng choáng ngợp trước lời "quảng cáo" mức lương 20-25 triệu đồng/tháng với công việc thuộc chuyên ngành cô theo học. Để rồi sau bốn năm, giấc mộng đó đã không còn khi giờ đây mức lương chờ đón cô chỉ 7-9 triệu đồng/tháng.
"Lương như vậy dành cho anh chị đã cống hiến 3-4 năm. Còn với thực tập sinh như bọn mình công ty chỉ trợ cấp 3 triệu đồng/tháng", Hằng cho biết.
Thời gian đầu Hằng vẫn kiên trì làm việc đúng ngành, sẵn sàng làm chân "sai vặt" trong công ty để tìm kiếm cơ hội. Nhưng rồi cô gái 23 tuổi dần nản lòng khi biết thời gian thực tập có thể kéo dài đến một năm.
"Sinh viên còn khó sống với số tiền ít ỏi như vậy. Mình đã cố chi tiêu tiết kiệm nhất có thể nhưng duy trì nó trong một năm thật sự quá khó. Đã vậy trước đây đi làm thêm dư dả nên mỗi tháng mình đều gửi tiền về cho ba mẹ. Giờ mà ngửa tay xin tiền gia đình thì mình rất ngại", Hằng bộc bạch.
Trước áp lực tài chính ngày càng đè nặng, Hằng quyết định quay lại với việc làm thêm part-time ở tiệm gà rán mà cô đã gắn bó suốt thời sinh viên. Mặc dù công việc chân tay vất vả lại còn trái ngành song đối với Hằng đó như chiếc "bè cứu sinh tạm thời" trong những ngày tháng khó khăn sau tốt nghiệp.
"Công việc làm thêm không đòi hỏi nhiều thứ, lương tạm ổn và đồng nghiệp thân thiện giúp mình dễ thở hơn rất nhiều. Thay vì làm đúng chuyên ngành, mình chọn công việc có thể nuôi sống bản thân", Hằng tâm sự.
Thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm
Khác với những bạn trẻ như Thúy Hằng phải làm việc trái nghề do hoàn cảnh đưa đẩy, một bộ phận gen Z vừa ra trường lại chọn làm thêm công việc trái ngành vì muốn tích lũy vốn và trau dồi thêm kiến thức.
Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Nguyễn Thị Hương Giang (22 tuổi, ngụ phường Tam Bình, TP.HCM) vẫn quyết định tiếp tục công việc làm thêm của mình tại nhà hàng nướng.
"Công việc làm thêm chỉ đơn giản là order, phục vụ khách hàng và dọn dẹp vệ sinh khu vực chứ không đòi hỏi bằng cấp gì", Giang kể.
Chia sẻ lý do không vội tìm việc làm tương xứng với trình độ, cô cho hay: "Trước đó mình có đi thực tập ở nhiều nhà hàng, khách sạn nhưng để được làm việc tại vị trí tốt như lễ tân, trưởng quầy thì kiến thức ĐH thôi là chưa đủ. Đặc biệt hầu như các khách sạn có tiếng hiện nay đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ khá cao".
Thời gian đầu, mọi CV Giang gửi đi đều bị từ chối vì lý do chưa có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt yêu cầu ngày càng cao về trình độ ngoại ngữ khiến CV của Giang chìm nghỉm giữa biển tuyển dụng.
Để có tiền trau dồi thêm ngoại ngữ, Hương Giang quyết định tập trung cho việc làm thêm thay vì lăn tăn gửi CV khắp nơi trong khi bản thân chưa thật sự sẵn sàng.
"Sau tốt nghiệp, mình dành thời gian trên chỗ làm thêm để kiếm tiền nhiều nhất có thể. So với việc gửi CV đi rồi bị từ chối thì mình sẽ kiếm tiền để trau dồi thêm nhiều kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu", Giang cho biết.
Tuy nhiên nhiều lúc đối diện với ánh mắt hoài nghi và câu hỏi từ gia đình, những bạn trẻ vừa ra trường như Giang đôi khi cũng chạnh lòng. "Có lẽ lúc này đi làm thêm là cách tốt nhất để bản thân không bị "nung chảy" giữa hiện thực và biết đâu sau đó mình sẽ tìm được công việc như ý, đúng chuyên ngành", Giang tâm sự.
Không chỉ Việt Nam, làn sóng thất nghiệp, sa thải trên thế giới cũng đang có xu hướng tăng.
Theo Business Insider, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025 hàng loạt doanh nghiệp đã sa thải ở quy mô lớn. Microsoft và Estée Lauder sa thải khoảng 7.000 nhân sự toàn cầu, Google cắt giảm hàng trăm vị trí ở các bộ phận chiến lược...
Cũng theo trang này, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp MBA (thạc sĩ quản trị Kinh doanh) từ Harvard hay MIT Sloan cũng gặp khó khăn khi tìm việc. Tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm này tăng từ khoảng 4% vào năm 2021 lên đến 15% vào năm 2024.
********************
Nhiều sinh viên sau khi nhận bằng tốt nghiệp đã không tham gia thị trường lao động mà quay lại giảng đường để học cao học, học văn bằng 2. Ngoài những người ấp ủ học thêm cũng có không ít bạn đi học tiếp vì... chưa xin được việc.
>> Kỳ tới: Học cao hơn, nhiều hơn vì… chưa biết làm gì
