
Phó chủ tịch ADB Scott Morris (thứ hai từ trái sang) chủ trì họp báo ngắn với các nhà báo ASEAN bên lề hội nghị thường niên ADB tại Milan vào sáng 6-5 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Tại hội nghị thường niên ADB ở Milan (Ý), hầu hết các quốc gia, đặc biệt trong khu vực ASEAN, đều cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do, mở.
Phó chủ tịch ADB Scott Morris nhấn mạnh với phóng viên Tuổi Trẻ rằng con đường tốt nhất cho các quốc gia trong khu vực, nhất là những nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, là tìm kiếm mức độ hội nhập cao hơn và bắt đầu từ ASEAN.
Con đường tăng trưởng bền vững
Ông Amir Hamzah Azizan, bộ trưởng tài chính thứ 2 của Malaysia, cho biết nước này đang tìm cách đa dạng hóa mạng lưới thương mại với các quốc gia khác và tăng cường hợp tác khu vực.
"Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi kêu gọi ADB nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các nền kinh tế khu vực chống lại các cú sốc bên ngoài và xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc trong tương lai bằng cách tăng cường Chương trình tài trợ chuỗi cung ứng và thương mại và các sáng kiến đổi mới khác", ông Azizan nêu.
Khi được phóng viên Tuổi Trẻ hỏi về khuyến nghị chính sách cho các nước có hệ thống thương mại mở như Việt Nam để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ, ông Scott Morris thừa nhận có rủi ro đáng kể sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về chính sách thuế quan.
"Tôi nghĩ mỗi quốc gia trong ASEAN đang tìm cách hợp tác song phương với Mỹ, song thông điệp của chúng tôi gửi đến khu vực là hãy sử dụng cơ hội này để thúc đẩy hội nhập khu vực lớn hơn.
Theo quan điểm của chúng tôi, con đường tốt nhất cho mỗi quốc gia trong khu vực là tìm kiếm mức độ hội nhập cao hơn, có thể bắt đầu từ ngay trong ASEAN, không chỉ là tăng cường thương mại nhiều hơn mà còn tìm giải pháp cho các nhu cầu về cơ sở hạ tầng", ông Morris khuyến nghị.
Phó chủ tịch ADB cho biết hiện có nhiều dự án tham vọng trong khu vực ASEAN, ví dụ sáng kiến lưới điện ASEAN - hiện đại hóa và kết nối các hệ thống năng lượng trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á, và ADB cam kết đầu tư 10 tỉ USD cho dự án này.
Theo ông Scott Morris, đối với các quốc gia có định hướng xuất khẩu mạnh như Campuchia và Việt Nam, hội nhập lớn hơn trong khu vực sẽ rất quan trọng, không chỉ để chống lại các cú sốc bên ngoài trên cơ sở toàn cầu mà còn là con đường dài hạn cho sự tăng trưởng trong khu vực.
"Một nền kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn có nghĩa là các nền kinh tế quốc gia thành viên mạnh mẽ hơn", Phó chủ tịch ADB Scott Morris nhấn mạnh.
ADB sẵn sàng cho Việt Nam vay vốn lớn
Thông tin với Tuổi Trẻ về cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng trước, Phó chủ tịch ADB Scott Morris bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng yêu cầu có mối quan hệ đối tác đầy tham vọng hơn giữa Việt Nam và ADB, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
"Đã lâu rồi chúng tôi chưa cho Chính phủ Việt Nam vay số tiền lớn" - ông Morris chia sẻ và hy vọng sẽ thấy mức độ cam kết lớn của lãnh đạo ADB về hỗ trợ tài chính và chuyên môn kỹ thuật dành cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. ADB tin rằng những hỗ trợ này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng năng suất trong dài hạn của Việt Nam.
