Tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá tăng gấp đôi
Diễn đàn là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện hướng tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, 31/5.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên toàn cầu, gần 37 triệu trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, trong đó tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên vượt qua cả người lớn ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, theo ước tính của WHO, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động.
![]() |
Học sinh tham gia diễn đàn Điều em muốn nói lần 2. Ảnh: TRỌNG TÀI |
Thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra ước tính là 108.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. WHO cảnh báo rằng, gần một nửa trẻ em trên thế giới hít phải khói thuốc thụ động, và 65.000 trẻ em tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến khói thuốc.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỉ lệ học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Bộ Y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp học sinh nhập viện do ngộ độc, loạn thần liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là các sản phẩm bị tẩm chất gây nghiện.
Bộ Y tế nhận định, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% (2022) lên 8% năm 2023. Tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ cũng đang có xu hướng gia tăng.
Sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên không chỉ đe dọa sức khỏe mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường. WHO nhấn mạnh, thuốc lá điện tử chứa nicotine gây nghiện cùng các chất độc hại như formaldehyde, acetaldehyde có thể dẫn đến bệnh phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh evali - là một dạng tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử hoặc sản phẩm thuốc lá điện tử, bệnh tim mạch và tổn thương não bộ, đặc biệt là ở thanh niên đang trong giai đoạn phát triển. Hít thuốc thụ động gây ảnh hưởng đến người xung quanh bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai và gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch.
Sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên không chỉ gây hại sức khỏe và môi trường mà còn kéo theo các hệ lụy như giảm năng suất học tập, lao động và gia tăng hành vi tiêu cực do nghiện nicotine. Điều này làm mối đe dọa lớn với thế hệ trẻ - lực lượng tiên phong của đất nước.
Chung tay xây dựng học đường không khói thuốc
Nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và kĩ năng phòng ngừa các nguy cơ từ thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện mới trong học đường, Diễn đàn Điều em muốn nói năm 2025 với chủ đề Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới có sự tham gia của chuyên gia tâm lí, bác sĩ, đại diện Công an tỉnh Nghệ An cùng hơn 1.000 học sinh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt tại đây, học sinh còn được giao lưu với ca sĩ Hà Myo (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Diễn đàn gồm 2 phần: Nhận diện các loại chất gây nghiện thế hệ mới và thuốc lá điện tử. Tại đây, học sinh, chuyên gia y tế, nhà giáo dục và lực lượng chức năng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về các loại chất kích thích đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là thuốc lá điện tử với hình thức ngụy trang tinh vi, khó kiểm soát. Nội dung nhấn mạnh mức độ phổ biến, cách thức lôi kéo học sinh và những hệ lụy tiềm ẩn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Phần 2 là tác hại của thuốc lá điện tử và giải pháp xây dựng môi trường học đường không khói thuốc. Các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe cộng đồng trình bày thông tin khoa học về tác động của thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện mới đối với sức khỏe con người nói chung và trẻ em nói riêng.
Phần thảo luận mở là dịp lắng nghe chia sẻ, kiến nghị từ chính các em học sinh, nhằm thúc đẩy hành động thực tiễn từ nhà trường, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ thế hệ trẻ khỏi khói thuốc và các nguy cơ nghiện chất.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập báo Tiền Phong khẳng định, là cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong luôn đồng hành, hỗ trợ người trẻ, những đối tượng chịu nhiều tổn thương của xã hội. Sau đại dịch COVID-19, báo Tiền Phong đã tổ chức diễn đàn Điều em muốn nói lần đầu tiên để tháo gỡ những vấn đề về tâm lí trong những ngày học trực tuyến, không được đến trường, lớp, vấn đề tâm lí mắc phải trong học sinh.
Mang lại hiệu ứng tích cực. Lần 2 với tinh thần đó tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An với chủ đề phòng chống bạo lực học đường. Lần này với xu hướng phát triển của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã đặt ra những nguy hại đối với sức khỏe, tâm sinh lí lứa tuổi học sinh ở giai đoạn đang chập chững trưởng thành.
“Với sự tham gia của chuyên gia, thầy cô, các em học sinh là đối tượng trung tâm kể về tác hại, phòng tránh… chúng tôi mong muốn thông qua diễn đàn, sẽ truyền thông mạnh mẽ đến các đối tượng bạn đọc. Từ đó, họ có được khả năng tự vệ, nhận biết đúng sai, đưa ra quyết định đúng đắn. Khi cộng đồng được trang bị kiến thức, đó là những tấm khiên bảo vệ chính các em”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.