Ca cao khan hiếm giữa ‘cơn sốt’ giá kỷ lục

Giá ca cao tăng vọt lên mức kỷ lục 260.000 đồng/kg, tạo ra cơ hội "vàng" cho người nông dân nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các hợp tác xã (HTX) sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Thị trường ca cao đang trải qua một đợt biến động chưa từng có với giá tăng vọt lên mức kỷ lục (260.000 đồng/kg).

Ca cao khan hiếm giữa ‘cơn sốt’ giá kỷ lục- Ảnh 1.

Du khách khám phá vườn ca cao.

Ông Thái Đăng Đàm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar , Đắk Lắk - cho biết, giá ca cao hiện đã tăng gấp ba lần so với những năm trước.

Với mức giá này, trung bình mỗi héc-ta ca cao mang lại cho người nông dân thu nhập từ 400-450 triệu đồng. Theo ông Đàm, đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng kinh tế lớn từ cây ca cao, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân.

Ca cao khan hiếm giữa ‘cơn sốt’ giá kỷ lục- Ảnh 2.

Giá ca cao đã lập kỷ lục.

Tuy nhiên, niềm vui của người nông dân lại đi kèm với những khó khăn chồng chất cho các HTX. Bởi giá ca cao tăng cao đồng nghĩa với việc HTX cần một lượng vốn lớn để thu mua nguyên liệu đầu vào. Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn trở nên vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của HTX.

Không chỉ vậy, sản lượng ca cao trên địa bàn còn hạn chế, trong khi các thương lái ồ ạt thu mua, đẩy giá lên cao và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.

HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt (huyện Ea Kar) cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Ông Đường Văn Đình - Giám đốc HTX - cho hay, giá ca cao đã tăng từ 90.000 đồng/kg (năm 2022) lên mức 240.000 đồng-260.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ca cao khan hiếm giữa ‘cơn sốt’ giá kỷ lục- Ảnh 3.

Ca cao đang mang lại lợi nhuận tốt cho người dân.

Ông Đình chia sẻ, trung bình mỗi năm, HTX thu mua, sơ chế, lên men và cung cấp trên 20 tấn hạt khô cho các công ty sản xuất sôcôla và bánh kẹo. Tuy nhiên, do nguồn hàng khan hiếm, HTX đang phải cạnh tranh khốc liệt với các thương lái. Từ đầu năm đến nay, HTX chỉ mới thu mua được khoảng 5 tấn hạt khô, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất và kinh doanh.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng "găm hàng" của một số hộ nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk - thông tin, giá ca cao tăng nên nhiều hộ dân có xu hướng giữ hàng. C ộng với sự cạnh tranh từ các thương lái, khiến HTX gặp khó khăn trong việc thu gom đủ số lượng hàng hóa để cung cấp cho các đối tác đã ký kết.

Mặc dù vậy, ông Sỹ cũng ghi nhận những tác động tích cực từ việc giá ca cao tăng cao. Nhờ giá ca cao ổn định ở mức cao trong khoảng hai năm trở lại đây, bà con nông dân đã tích cực đầu tư, chăm sóc vườn ca cao để nâng cao năng suất.

"Sản lượng trung bình mỗi năm từ 1,5 - 1,8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu về lợi nhuận từ 400 - 450 triệu đồng”, ông Sỹ tính toán.

Ca cao khan hiếm giữa ‘cơn sốt’ giá kỷ lục- Ảnh 4.

Mỗi ha ca cao đang mang lại nguồn thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/năm

Theo bà Mai Thị Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na, giá hạt ca cao đang ở mức kỷ lục, nông dân phấn khởi. Kéo theo nhu cầu cây giống tăng cao, hiện trên địa bàn có 2 cơ sở cung cấp cây giống nhưng luôn trong tình trạng khan hiếm hàng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na khuyến cáo người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mở rộng diện tích trồng ca cao. "Người dân cần xem xét các yếu tố như điều kiện thổ nhưỡng... Việc phát triển diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây ra những hệ lụy không mong muốn", bà Hằng nhấn mạnh.