Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế mua bán tiền số Bitcoin, Ethereum,… tương tự chứng khoán

Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự mức áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán.

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế. Điều kiện áp dụng là mua bán thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.

Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự mức áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán.

Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Song Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội ban hành trong tháng 6 và có hiệu lực từ 1/1/2026, lần đầu quy định tài sản số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành Dấu mốc này đã chấm dứt tình trạng nhiều năm mơ hồ về mặt pháp lý và ước tính khoảng hàng triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ tài sản mã hóa sẽ được công nhận và bảo vệ chính thức theo pháp luật. .Đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế áp dụng chính sách thuế tương ứng.

Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra ngày 9/7 ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Công nghiệp Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Luật Công nghiệp công nghệ số đánh dấu lần đầu trong lịch sử Việt Nam quy định tính pháp lý cho tài sản số.

"Luật coi tài sản số là một loại tài sản theo pháp luật dân sự, tức được bảo vệ giống như tài sản thực", ông cho hay.

Theo Cục trưởng, Việt Nam hiện có khoảng 21 triệu người đầu tư vào tài sản mã hóa (crypto). Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội ban hành trong tháng 6 và có hiệu lực từ 1/1/2026, đưa người sở hữu tài sản mã hóa ra khỏi "vùng xám" pháp lý.

Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam, cũng cho rằng luật mới lần đầu tiên đưa ra định nghĩa pháp lý cho "tài sản số", phân loại thành hai nhóm chính gồm "tài sản ảo" và đáng chú ý là "tài sản mã hóa". "Tài sản mã hóa" là hạng mục bao trùm cho tiền mã hóa, với chức năng tài chính rõ ràng và hoạt động trên chuỗi khối (blockchain) riêng. Những tài sản này được định nghĩa là sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và chuyển giao.

"Như vậy, các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) hoàn toàn phù hợp với định nghĩa "tài sản mã hóa" vì chúng được coi là có chức năng tài chính và sử dụng công nghệ mã hóa. Cách phân loại này giúp hàng triệu nhà đầu tư tại Việt Nam tin tưởng rằng những tài sản này không còn phải nằm trong vùng xám về mặt pháp lý", chuyên gia của Đại học RMIT nhận định.