Sáng 21/7, UBND xã Thạnh Bình, thành phố Đà Nẵng, đã tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Danh lam thắng cảnh Hang Dơi, nằm trên địa bàn xã Thạnh Bình, trước đây thuộc xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cũ.
Theo quyết định của UBND Tp.Đà Nẵng (trước đây là UBND tỉnh Quảng Nam), Hang Dơi được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 17/6.
Ông Dương Đức Lin, Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, cho biết, việc công nhận Hang Dơi là di tích không chỉ ghi nhận giá trị lịch sử, địa chất độc đáo của địa danh này, mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và truyền thống cách mạng.
Hang Dơi là một trong những vết lộ đá cổ hiếm hoi ở miền Trung, được kiến tạo cách đây từ 530 đến 158 triệu năm, thuộc hệ tầng Khâm Đức và Núi Vú, những hệ tầng đá biến chất có giá trị địa chất cao.
Các phiến đá tại đây hiện rõ dấu tích phân phiến, vi uốn nếp và sự biến dạng do kiến tạo, là minh chứng cho quá trình vận động mạnh mẽ của vỏ Trái Đất qua hàng trăm triệu năm.

Những khối đá lộ thiên hàng trăm triệu năm, được ví như bảo tàng địa chất tự nhiên.
Không giống phần lớn các khu vực nhiệt đới khác, nơi đá gốc thường bị phong hóa mạnh, Hang Dơi giữ được trạng thái nguyên sơ với các dải đá gốc lộ thiên hoàn chỉnh. Chính vì thế, nơi đây được ví như "bảo tàng địa chất ngoài trời", nơi lưu giữ và kể lại câu chuyện của những kỷ nguyên cổ đại trên hành tinh.
Đặc biệt, địa mạo nơi đây còn tạo nên những đường nét kỳ thú: từ các ghềnh đá bị mài mòn sắc nét như khắc lên những ký tự cổ, đến những khối đá kỳ vĩ mang hình thù trừu tượng.

Cận cảnh ghềnh đá phiến sắc nét như khắc ký tự cổ trên vách đá Hang Dơi.
Bên cạnh giá trị địa chất, Hang Dơi còn sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, với rừng tự nhiên, thảm thực vật phong phú, và các dòng suối như Ồ Ồ, Vực Vin, hồ chứa Thành Công... tạo nên một không gian sinh thái nguyên sơ, gần gũi với đời sống làng quê.
Hang Dơi hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch sinh thái, học đường hấp dẫn, nơi kết hợp giữa khám phá thiên nhiên, tìm hiểu địa chất, và trải nghiệm không gian văn hóa bản địa, ông Lin chia sẻ.

Khối đá mang hình thù độc đáo kích thích trí tưởng tượng của người xem.
Không chỉ là một di chỉ thiên nhiên, Hang Dơi còn là "chứng nhân lịch sử" của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của các tổ chức cách mạng thuộc Khu V, Tỉnh ủy và Huyện ủy Tiên Phước.

Đường vào Hang Dơi xuyên qua khu rừng rậm, nơi từng là căn cứ cách mạng thời chiến.
Công binh xưởng QB150 cũng từng chọn Hang Dơi làm nơi sản xuất vũ khí, nhờ vào nguồn phân dơi dồi dào để chế tạo thuốc súng phục vụ chiến trường khu V.
Đến kháng chiến chống Mỹ, đơn vị C45 Huyện đội Tiên Phước tiếp tục chọn nơi này làm cơ sở đứng chân, phối hợp với dân quân địa phương xây dựng lực lượng và tổ chức tuần tra bảo vệ vùng căn cứ.
Nhờ địa hình hiểm trở và kín đáo, Hang Dơi trở thành "lá chắn thép" bảo vệ hoạt động của lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
Với sự kiện được xếp hạng di tích cấp tỉnh, chính quyền xã Thạnh Bình và Tp.Đà Nẵng đang lên kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn để xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị Hang Dơi theo hướng bền vững.